Hotline: 0977.611.686   |     Email: benhunao@gmail.com
Benh U Nao

Trẻ bị méo đầu có đáng lo?

Tags: méo đầu, Bệnh viện K, ngoại thần kinh, dính khớp sọ, bác sĩ Liên, __ 14/01/2019 08:58:51 __ 6380 lượt xem
Print Email

Trẻ bị méo đầu có thể do nằm liên tục theo một tư thế hoặc nghiêm trọng hơn có thể là biểu hiện của dị tật dinh khớp sọ.

Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, tật đầu méo do tư thế (positional plagiocephaly) là một trong những lý do phổ biến và thường bị nhầm lẫn với dính khớp lamda. Tật này thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Đầu trẻ bị bị dẹt ở phía sau vì trẻ nằm liên tục trên giường và chủ yếu sang một bên.

Dấu hiệu có giá trị phân biệt là tai bên đó thường được đẩy ra phía trước và trán hới nhô một chút so với bên đối diện, làm cho đầu có hình dạng hình bình hành. Chụp cắt lớp vi tính 64 dãy các khớp sọ bình thường.

Tật đầu méo do tư thế

Hình1: Tật đầu méo do tư thế ở trẻ. 

“Những trường hợp này, thường không cần điều trị bằng phẫu thuật. Quan trọng nhất là phát hiện sớm (trước 6 tháng tuổi) và điều chỉnh bằng tư thế nằm nghiêng đầu sang bên đối diện hoặc điều chỉnh bằng mũ chuyên dụng”, tiến sĩ Liên chia sẻ.

Ngoài ra, trẻ bị méo đầu cũng có thể do dị tật dính khớp sọ ở trẻ em (craniosynostosis). Đây là dị tật bẩm sinh xảy ra khi các đường khớp sọ dính với nhau sớm hơn bình thường (đóng khớp sớm). Tùy thuộc vào loại khớp nào bị dính sớm mà có thể gây ra biến dạng hộp sọ, đau đầu, các vấn đề vê thị giác hoặc chậm phát triển tâm thần vận động.

Theo tiến sĩ Liên, đây là dị tật tương đối ít gặp ở trẻ em, tần suất 6/10.000 trẻ. Bình thường các khớp sọ sẽ cài vào nhau vào lúc 2-4 tuổi và chỉ dính thật sự sau 20 tuổi. Dị tật này sẽ gây mất thẩm mĩ trầm trọng nếu không được điều trị. Khi đến tuổi đi học, trẻ sẽ khó hoà nhập với cộng đồng, dễ gây xáo trộn về tâm lý của trẻ.

Tùy khớp nào bị dính thì hộp sọ sẽ phát triển bù trừ theo hướng song song với đường khớp đó. Kết quả đầu trẻ sẽ không đều mà bị méo theo một hướng nào đó. Thường gặp nhất là dính khớp dọc giữa (phần nối giữa hai xương đính) làm cho đầu trẻ dài ra theo chiều trước sau, gọi là tật đầu hình thuyền (chiếm 60%).

Khi khớp trán đính (phần nối giữa xương trán và xương đính) bị dính sẽ khiến đầu bị méo về một bên hoặc bị dẹt sang hai bên (chiếm 20%). Một số trường hợp dính khớp sọ ít gặp hơn như khớp metopic gây tật đầu hình tam giác (chiếm 10%), khớp đính chẩm gây tật đầu dẹt ở phía sau.

Những trường hợp dính nhiều khớp sọ sẽ gây hẹp sọ thật sự làm cản trở sự phát triển của não bộ. Từ đó có thể gây ra đau đầu, tăng áp lực trong sọ, các vấn đề về thị giác hoặc chậm phát triển tâm thần vận động.

Các loại dị tật dính khớp sọ đơn thuần.

Hình 2: Các dị tật dính khớp sọ đơn thuần. 

Ngoài ra, hội chứng dính đa khớp (craniosynostosis syndromes) là tình trạng dính một hoặc nhiều khớp sọ và dính khớp sớm ở mặt và/hoặc các dị tật dính ngón tạo nên các hội chứng phức tạp. Các hội chứng thường gặp là Crouzon (dính khớp coronal hai bên, chậm phát triển xương hàm trên, có thể kèm theo các tất vách ngăn mũi...), hội chứng Apert (thường phối hợp với tật dính ngón), hội chứng Pfeiffer... Những trường hợp này cần được điều trị phối hợp nhiều chuyên khoa sọ não, hàm mặt, chỉnh hình.

Với dị tật này, theo tiến sĩ Liên, điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ các đường khớp bị dính, tạo hình lại một phần hay toàn bộ hộp sọ, giải phóng sự chèn ép tạo không gian để não bộ phát triển. Lứa tuổi phẫu thuật tốt nhất là 6 – 12 tháng tuổi, khi các xương sọ trẻ còn mỏng, dễ uốn nắn và sự biến dạng chưa nhiều. Những trường hợp mổ muộn sau 12 tháng phẫu thuật sẽ khó hơn và thường phải tạo hình toàn bộ hộp sọ rất phức tạp.

Phẫu thuật nội soi cắt diện khớp dính sớm được chỉ định cho những trẻ phát hiện sớm trước 3 tháng tuổi nhưng cần được mang mũ chỉnh hình chuyên dụng cho từng trẻ.

Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt với tật đầu nhỏ do teo não. Đây là bệnh lí của não bộ không phát triển được (teo não...) nên các khớp sọ bị đóng sớm. Những trường hợp này không có chỉ định phẫu thuật.

Những trường hợp nghi ngờ sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính 64 dãy và tái tạo hộp sọ 3 chiều (CT Multi-slices 3D). Đôi khi cần chụp thêm cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính não để đánh giá các bất thường nhu mô não, giãn não thất, thoát vị não (Arnold Chiari thứ phát)...
 

Hỗ trợ

Hỗ trợ

CHÚNG TÔI Ở ĐÂY ĐỂ GIÚP ĐỠ !.

Chat với chúng tôi
Bản đồ đường đi

Địa chỉ

Chỉ dẫn đến chúng tôi

Chi tiết