Hotline: 0977.611.686   |     Email: benhunao@gmail.com
Benh U Nao

Bệnh viện K: Cứu bệnh nhân bị u não "hiểm" sau cơn đột quỵ

__ 06/10/2018 20:57:17 __ 1868 lượt xem
Print Email

Trước khi đến Bệnh viện K thăm khám và được các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh phẫu thuật lấy u não ở vị trí hiểm, nam bệnh nhân Nguyễn Thành V. (37 tuổi, Bắc Giang) vào viện điều trị lần đầu với các triệu chứng nghi ngờ tai biến mạch máu não.

Sau điều trị nội khoa, bệnh nhân đã ổn định trở lại, tuy nhiên 3 tháng sau khi ra viện, bệnh nhân  V. thấy người yếu dần rồi đột ngột liệt nửa người trái. Gia đình tiếp tục đưa vào một bệnh viện tại Hà Nội điều trị vì bệnh nhân bị tái phát đột quỵ, tuy nhiên sau thăm khám, bác sĩ không phát hiện ra bệnh, nghi có bất thường ở não nên chuyển anh V. sang bệnh viện K điều trị.

TS. BS Nguyễn Đức Liên chỉ cho phóng viên biết vị trí “hiểm” của khối u não

TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh- Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân V. đến khám vào trung tuần tháng 8 vừa qua, ngoài liệt nửa người trái, phải ngồi xe lăn, mắt trái bệnh nhân còn xuất hiện tình trạng song thị, nhìn 1 thành 2, đau đầu nhiều, ăn uống khó, dễ sặc.

“Sau chụp cộng hưởng từ, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc u não, chiếm 2/3 chu vi cầu não. Đây là khu vực có chức năng liên quan đến thở, vận động, nuốt, ảnh hưởng nhịp tim, liệt, và các phản xạ ho khạc, nuốt”- TS Nguyễn Đức Liên cho biêt.

Theo BS Liên, trường hợp bệnh nhân này nếu không can thiệp thì bệnh sẽ nặng lên theo thời gian, nếu mổ sẽ có nguy cơ gặp rủi ro rất lớn, trường hợp nhẹ phải mở khí quản thời gian dài, ăn xông và liệt nặng thêm, trường hợp xấu, bệnh nhân sẽ phải thở máy vĩnh viễn.

“Do ca bệnh phức tạp, các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn nhiều chuyên khoa. Phía gia đình mong muốn được mổ ngay nhưng ca mổ phải lui đến 2 tuần sau đó do các bác sĩ cần xem xét kĩ hơn tình trạng bệnh cũng như chụp mạch não để kiểm tra có tổn thương khác hay không”- BS Liên kể lại.

Ngày 27/9,  bệnh nhân lên bàn mổ, suốt 4 giờ căng thẳng các phẫu thuật viên cùng với sự hỗ trợ của hàng loạt thiết bị hiện đại như kính hiển vi, hệ thống định vị đã chọn đường mổ sau gáy dài 4cm, trường mổ trong phạm vi nhỏ hẹp 1cm nhưng không tổn thương dây thần kinh xung quanh, lấy được triệt để khối u, kích thước 3cm.

Theo TS Liên, quyết định mổ lúc đó là thách thức rất lớn vì thể tích cầu não rất bé, trong khi khối u chiếm đến 2/3 chu vi nên các bác sĩ lựa chọn đường mổ vào sau gáy nhỏ chỉ 4cm, với trường mổ thực sự chỉ khoảng 1cm và đã lấy được toàn bộ khối u mà không làm tổn thương các tổ chức khác.

“Ekip gây mê và hồi sức đặc biệt quan trọng, trong quá trình mổ, nếu làm não phù thì bác sĩ không còn đường vào vì vị trí khối u ở rất sâu, cách bề mặt da đầu 8-10cm, trong khi xung quanh toàn là các mạch máu tần kinh quan trọng”, TS Liên chia sẻ.

Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân đã không phải thở máy, sau 2 ngày bắt đầu ngồi dậy, sau 3 ngày tập đi và đến ngày thứ 5 đã có thể đi lại và nói chuyện như bình thường.

TS Liên cho biết, trường hợp khối u của bệnh nhân V. là u máu thể hang, u lành nhưng ở vị trí hiểm ác nên vẫn là thách thức với các bác sĩ điều trị.

Sau phẫu thuật lấy khối u não ở vị trí “hiểm”, sức khỏe của nam bệnh nhân V. đã hồi phục nhanh chóng

Dạng u này hay gặp ở bán cầu đại não, các trường hợp ở thân não chiếm tỉ lệ nhỏ, thường sẽ khiến bệnh nhân bị liệt, không ăn uống được, thậm chí có trường hợp bị suy hô hấp.

“Với trường hợp này nếu không phẫu thuật kịp thời, khối u sẽ tự chảy máu, bệnh nhân liên tiếp mất dần các chức năng. Vị trí ở thân não luôn là thách thức với các phẫu thuật viên, yêu cầu bác sĩ phải có hiểu biết rõ về giải phẫu, kinh nghiệm mổ và khéo léo mới có thể can thiệp được khối u”- TS Liên cho hay.

 

TS Liên cho biết, bệnh lý u máu nếu gặp ở bán cầu đại não có nhiều biện pháp để can thiệp. Nhưng khối u ở thân não gây những triệu chứng nặng nề. Có những bệnh nhân bị liệt, không ăn uống được, có bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy hô hấp...

Nếu không phẫu thuật khối u phát triển, tự chảy máu, làm mất dần các chức năng tiếp theo. Khối u là thách thức với tất cả các bác sĩ, dù phẫu thuật thành công nhưng tương lai vẫn phải tiếp tục nghiên cứu vì phụ thuộc vị trí, tình trạng bệnh.

Đáng nói dấu hiệu gợi ý điển hình của căn bệnh này rất khó. Bệnh gặp nhiều lứa tuổi trung niên, với các biểu hiện chung bệnh nhân hay đau đầu dai dẳng tái phát liên tục, bệnh nhân có nhưng cơn ngất không rõ nguyên nhân; hay có những bệnh nhân được điều trị như cơn tai biến đột quỵ não thoáng qua...nếu không chụp cộng hưởng từ sẽ dễ bỏ qua, do đó người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định kịp thời.

Để điều trị, bác sĩ phải hội chẩn kĩ vì phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân, kích thước, vị trí khối u. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính, nhằm chữa khỏi bệnh khi cắt bỏ được tổn thương. Một số trường hợp cần điều trị các di chứng do u gây ra như động kinh....

Theo: Sức khỏe đời sống

Hỗ trợ

Hỗ trợ

CHÚNG TÔI Ở ĐÂY ĐỂ GIÚP ĐỠ !.

Chat với chúng tôi
Bản đồ đường đi

Địa chỉ

Chỉ dẫn đến chúng tôi

Chi tiết